Tiềm năng và sức bật từ nông nghiệp CNC
Trao đổi với PV, ông Lò Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - cho biết: Cùng với cả nước, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La hiện nay đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp CNC, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định: Thực hiện Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; triển khai các Thông báo, Nghị quyết của Tỉnh ủy Sơn La về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2015-2019, UBND tỉnh Sơn La đã có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố; cùng với sự nỗ lực của toàn thể bà con nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nhằm từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Trong giai đoạn 2015-2019, nhiều cơ chế chính sách mới đã được tỉnh Sơn La ban hành nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; ứng dụng CNC vào một số khâu của sản xuất như: Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhà lưới, nhà kính; sử dụng một số cây trồng nuôi cấy mô; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi… Sơn La triển khai định hướng kinh tế nông nghiệp phát triển theo quan điểm sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các giống mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cây công nghiệp chủ lực được đầu tư chiều sâu, gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Chăn nuôi được quan tâm phát triển cả về quy mô và chất lượng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt, chú trọng đến sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Tỉnh cũng đã điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thời vụ nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh, tăng cường sử dụng các giống mới, thâm canh theo hướng bền vững, tăng năng suất mang lại hiệu quả cho người sản xuất.
Sơn La cũng đã đưa vào khảo nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thích nghi với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Một số cây trồng tiếp tục mở rộng với diện tích hợp lý, chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung như cây cà phê, cây chè, cây ăn quả, dược liệu,… ngày càng mang lại hiệu quả cho người sản xuất. Tỉnh cũng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình để phát triển chăn nuôi, gắn với mở chợ buôn bán, trao đổi nông sản. Giai đoạn 2016-2019, nhờ việc ứng dụng CNC trong sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn đã làm tăng giá trị 1ha đất, cụ thể như: Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao trên 1ha: chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu/1ha, xoài ghép 500 triệu/1ha, nhãn ghép 360 triệu/1ha; na Hoàng hậu ghép có giá trị lên tới 1 tỷ đồng/1ha. Đáng mừng hơn nữa là số hộ gia đình chăn nuôi bò sữa, nuôi cá lồng có thu nhập trên 1 tỷ đồng/ năm chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều.
Hiệu quả từ những mô hình nông nghiệp bền vững
Trên thực tế, tỉnh Sơn La đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững như: Mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn 12 huyện, thành phố; Mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng tái định cư Thủy điện Sơn La; Mô hình trồng rau an toàn. Cụ thể là trong giai đoạn 2016-2019, Sơn La thực hiện chuyển đổi được gần 50.000ha cây trồng khác sang cây trồng ăn quả kinh tế cao hơn, nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt trên 70.000ha. Diện tích cây ăn quả ứng dụng giống ghép; công nghệ tưới tiết kiệm nước, phân bón hòa tan; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP hoặc GAP khác cũng được nhân lên. Đến nay, diện tích cây ăn quả ghép cải tạo trên địa bàn tỉnh đạt 12.672 ha; diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất VietGAP hoặc GAP khác: 1.428ha; diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng để phục vụ công tác xuất khẩu là 3.634,59ha; phát triển được 228 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trồng cây ăn quả; hệ thống tưới tiết kiệm nước đạt 374,28ha; diện tích áp dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng: 2,88ha. Sơn La cũng đã triển khai 28 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng tái định cư Thủy điện Sơn La, với tổng mức đầu tư: 141.142,3 triệu đồng, để hỗ trợ cho 24.199 hộ dân;… Qua việc triển khai đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng chuyên canh cây ăn trái,… trên toàn địa bàn.
Những thử thách phải đối mặt…
Phát triển nông nghiệp CNC bền vững là yêu cầu hàng đầu đặt ra cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tại tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lộ trình phát triển này, Sơn La gặp một số khó khăn, thử thách như: Cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; diện tích áp dụng công nghệ mới còn chiếm tỷ lệ thấp, thiếu tập trung, không đồng bộ, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý và giảm sức thu hút đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, chưa tạo được động lực phát triển công nghiệp chế biến. Hơn nữa, mặc dù đã có cơ chế ưu đãi về tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng CNC, tuy nhiên đến nay, chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã được hưởng các chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ. Tiếp đó là chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chưa phát huy được vai trò là đầu mối trong việc liên kết các thành viên tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh.
… Và những hướng đi trong thời gian tới
Trong thời gian tới, để phát triển nông nghiệp CNC bền vững, lãnh đạo tỉnh Sơn La xác định sẽ phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp CNC gắn với bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Trước mắt sẽ thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tích cực hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo mối liên kết, giúp người sản xuất với các nhà khoa học… ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu về giống mới, mô hình có hiệu quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương. Ngoài ra cũng sẽ tập trung đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông nghiệp của tỉnh bằng nhiều hình thức để góp phần nâng cao giá trị cho các mặt hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương trong việc tiếp cận thị trường.
Hy vọng rằng, với cách làm đổi mới, năng động và sáng tạo, tỉnh Sơn La sẽ thành công hơn nữa trong việc đưa CNC vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt không chỉ xuất khẩu, mà còn phục vụ cho chính người tiêu dùng trong tỉnh. Và trong tương lai không xa, ứng dụng CNC chắc chắn sẽ đưa ngành nông nghiệp Sơn La “cất cánh” theo hướng công nghệ hiện đại, góp phần tăng trưởng GRDP theo hướng bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.