Năm 2023 đánh dấu giai đoạn “bình thường mới” của nền kinh tế và áp lực tăng trưởng sau đại dịch đã thúc đẩy tiến trình tăng cường hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa nguồn lực của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Bên cạnh những thách thức từ bất ổn kinh tế thế giới thì xu hướng chuyển đổi thị trường sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ góp phần tạo ra những cơ hội đầu tư và hợp tác cho các công ty trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ biết kịp thời bắt nhịp cùng xu thế thị trường.
Trước bối cảnh đó, đại diện ban tổ chức, ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc RX Tradex Việt Nam chia sẻ: “Năm nay, ngoài những thiết bị và công nghệ mới nhất, chúng tôi còn mang đến hai lĩnh vực mới trong triển lãm VME-SIE. Thứ nhất là phần mối nối công nghiệp, mang đến cho các nhà sản xuất công nghiệp những công nghệ mới về mối nối. Phần mới nữa là về công nghệ và các giải pháp quản lý nguyên vật liệu trong nhà kho và quản lý thành phẩm trong nhà máy sản xuất công nghiệp. Điều này rất quan trọng vì mang tới những giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng năng suất, tiết giảm chi phí, tăng chất lượng trong sản xuất”.
Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang là lĩnh vực tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên để tạo hiệu ứng lan toả cho các doanh nghiệp nội địa, cần tạo cơ chế, động lực để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển hơn. Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.
Dưới áp lực cạnh tranh gay gắt từ thị trường trong việc tăng năng suất, giảm chi phí lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm thì tự động hóa ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Nếu ứng dụng hiệu quả tự động hóa, các doanh nghiệp sản xuất có thể tạo ra những bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI), máy học và các công nghệ khác với tự động hóa quy trình bằng robot sẽ có khả năng định hình lại môi trường kinh doanh.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng đã có những chia sẻ về phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang làm gì để tận dụng và nắm bắt cơ hội do dịch chuyển chuỗi cung ứng mang lại. Năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD, riêng ngành điện tử xuất siêu 11,5 tỷ USD. Năm 2022, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD, riêng ngành điện tử xuất siêu 11,24 tỷ USD, chiếm 30,08% tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước (371,85 tỷ USD). Ngành công nghiệp điện tử đã góp phần rất lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước.
Mặc dù đã có sự cải thiện nhất định, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế về đội ngũ lao động, khoa học công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế với khá nhiều Hiệp định Thương mại tự do, điều này mang đến cơ hội nhưng cũng mang đến những thách thức khá lớn với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước khi phải cạnh tranh với cả những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cung cấp thêm những thông tin liên quan đến tiêu chuẩn sản xuất khi gia nhập thị trường Châu Âu cho doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Diễn đàn được tiếp nối với phần tọa đàm sôi nổi về chủ đề: "Nâng cao hiểu biết về Luật Thẩm định chuỗi cung ứng - trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu" với các diễn giả đến từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ông Nguyễn Hoàng Hà, Cán bộ chương trình cấp cao ILO, bà Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới Sử dụng Lao động VCCI; bà Nguyễn Xuân Thúy, Chuyên gia dự án Tổ chức Hợp tác quốc tế GIZ (CHLB Đức) và sự điều phối tọa đàm do bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch VASI thực hiện.
Các diễn giả đã giải đáp nhiều câu hỏi, thắc mắc đến từ doanh nghiệp, các tổ chức. Những thuận lợi và bất lợi của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử khi thực hiện Luật thẩm định mới và trách nhiệm trong chuỗi cung ứng đã được các diễn giả giải đáp. Tọa đàm cũng trở nên sôi động với nhiều câu hỏi tương tác từ cử tọa. Những gợi ý và những mô hình thực hành tốt trong hợp tác công tư cũng đã được các diễn giả chia sẽ và gợi mở trong các hoạt động tiếp nối của dự án với Bộ phận trợ giúp doanh nghiệp thực hành trách nhiệm xã hội được đặt tại VCCI cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức GIZ.
Cuối cùng, Diễn đàn đã giới thiệu về hoạt động tiếp theo đầy sôi động của Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo - VME 2023)” lần thứ 14 sẽ được diễn ra từ ngày 9 - 11 tháng 8 năm 2023 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội (Cung Văn hóa). Với sự góp mặt của hơn 200 đơn vị triển lãm là các nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ & máy móc tiên tiến đến từ 20 quốc gia, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt 3 ngày. Triển lãm kỳ vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong công tác kết nối cùng các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.