Theo ông Nguyễn Tài Anh, năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện quốc gia: Nhu cầu điện giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; thủy văn diễn biến bất thường; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống, dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” ở khu vực miền Nam nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc vào một số thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới biến động nhanh, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu sơ cấp như than, dầu khí tăng cao. Cụ thể, giá than trước đây khoảng 60-70 USD/tấn nhưng nay đã tăng lên hơn 220 USD/tấn. Giá khí LNG cũng thay đổi nhanh chóng, từ 6-8 USD/triệu BTU thì nay khoảng 20 USD/triệu BTU, tức tăng gấp 3-4 lần so với trước đây. Thêm vào đó, giá sắt thép để xây dựng các dự án nguồn điện và truyền tải điện cũng đều tăng cao.
Tất cả những yếu tố đó khiến ngành điện nói riêng và nhiều ngành khác đang phải chịu áp lực ở toàn bộ đầu vào xây dựng và sản xuất kinh doanh.
"Tuy nhiên, sau khi cân đối thì EVN cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện. Chúng tôi sẽ cân đối làm sao chi phí, giá cả các nguồn điện ở mức hợp lý nhất để phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là cho quá trình phục hồi do dịch Covia-19. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi có thể cân đối được", ông Tài Anh khẳng định.
Song Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho rằng, dưới áp lực từ các chi phí đầu vào cao như vậy, nếu các chi phí này tiếp tục tăng thì việc cân đối đầu vào là hết sức khó khăn. Thậm chí, lợi nhuận năm nay đã được cân đối bằng 0 để đảm bảo mức giá bán điện hợp lý.
"Ở các năm sau, Tập đoàn sẽ tiếp tục cân đối các khoản này, thậm chí có thể lợi nhuận tiếp tục bằng 0, nhưng nếu giá đầu vào cao cũng không thể cân đối được. Thì những năm tới, Chính phủ, các bộ ngành cũng tính toán, làm sao có giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích", ông Tài Anh nhấn mạnh.