Ngành sản xuất điện tử đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điện tử đã đạt hơn 109 tỷ USD, đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và LG đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, giúp tạo ra hàng triệu việc làm và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất.
Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử nhờ vào nguồn nhân lực dồi dào, chi phí sản xuất cạnh tranh và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, để duy trì đà phát triển này, việc kết nối hệ sinh thái sản xuất điện tử thông minh là cần thiết hơn bao giờ hết.
Tại Hội thảo: "Kết nối hệ sinh thái sản xuất điện tử thông minh tại Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Thiết bị Điện tử Thông minh IEAE, Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã nêu bật cái nhìn tổng quan về chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam. Chuỗi cung ứng được đầu tư tương đối đầy đủ nhưng mạnh về sản xuất gia công linh kiện, cụm linh kiện. Theo sau các dự án FDI lớn về gia công lắp ráp của các ông lớn đầu chuỗi, những năm kế tiếp sau đó, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện/phụ kiện/cụm linh kiện gia tăng đáng kể.
Năm 2021, Foxconn đầu tư 453 triệu USD SX lắp ráp máy tính bảng, đầu năm 2023, công ty con của Foxconn cũng đã đầu tư 621 triệu USD để sản xuất linh kiện điện tử cho máy tính và bo mạch chủ. Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được minh chứng qua các khoản đầu tư lớn của các nhà cung cấp hàng đầu như Foxconn, Pegatron,… Sự phát triển này đồng nghĩa với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã đề ra lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với cách tiếp cận độc đáo, thể hiện lý thuyết và lộ trình theo công thức:
C = SET+1
Trong đó C là Chip (chip bán dẫn)
S là Specialized (phát triển chip chuyên biệt)
E là Electronics (Ngành công nghiệp điện tử)
T là Talent (Nguồn nhân lực công nghệ)
+1 là Việt Nam (cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn cho chuỗi cung ứng bán dẫn
toàn cầu).
Bà Đỗ Thị Thuỳ Hương cho rằng, chiến lược này mang lại cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, tạo điều kiện để khép kín chuỗi cung ứng và làm nâng cao năng lực của ngành, tính chủ động của doanh nghiệp Việt.
Nếu đạt được mục tiêu mà chiến lược đề ra, Việt Nam sẽ thực sự là một nước công nghiệp phát triển, có vị trí quan trọng trên bản đồ công nghiệp bán dẫn thế giới, giống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay.
Mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (2024 - 2030), thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, thành lập ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 01 nhà máy sản xuất chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm tra sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên ngành trong một số ngành, lĩnh vực.
- Giai đoạn 2 (2030 - 2040): phát triển ngành công nghiệp bán dẫn kết hợp tự chủ và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 02 nhà máy sản xuất chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói và kiểm tra sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế và sản xuất các sản phẩm bán dẫn chuyên dụng
- Giai đoạn 3 (2040 - 2050): ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 03 nhà máy sản xuất chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói và kiểm tra sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực bản dẫn.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, cần nỗ lực, quyết tâm rất lớn từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có phát triển chip chuyên dụng, phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó là nhiệm vụ phát triển công nghiệp điện tử: “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn sẽ góp phần hỗ trợ, nâng cao và làm vững mạnh thêm ngành công nghiệp điện tử, giúp Việt Nam tự chủ hơn, có giá trị gia tăng cao hơn, vững vàng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Tuy nhiên, bà Hương cũng lưu ý, các mục tiêu được đề ra trong 3 giai đoạn gồm giai đoạn 1 (2024 - 2030), giai đoạn 2 (2030 - 2040) và giai đoạn 3 (2040 - 2050) đang khá tham vọng. Xây dựng một nhà máy đúc chip quy mô nhỏ thì giá trị đầu tư thấp nhất là 5 tỷ USD, nhà máy đúc chip tiên tiến cần 20 tỷ USD. Những 'ông lớn' trong ngành công nghệ bán dẫn của thế giới như TSMC, Intel đều cần trợ cấp của các chính phủ nơi các quốc gia thu hút đầu tư bán dẫn.
Hệ sinh thái sản xuất điện tử thông minh là một mạng lưới các thành phần tương tác với nhau để tối ưu hóa quy trình sản xuất, bao gồm:
- Nhà sản xuất: Các công ty sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử.
- Nhà cung cấp linh kiện: Các nhà cung cấp nguyên vật liệu và linh kiện.
- Cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D): Các viện nghiên cứu và trường đại học.
- Chính phủ: Cung cấp chính sách hỗ trợ và khung pháp lý cho ngành.
- Tổ chức giáo dục: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Sự kết nối giữa các thành phần này sẽ giúp tạo ra một chuỗi cung ứng linh hoạt, cải thiện hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khi các nhà sản xuất và nhà cung cấp kết nối chặt chẽ, họ có thể tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu chi phí và thời gian sản xuất. Công nghệ thông minh sẽ giúp theo dõi và điều chỉnh quy trình sản xuất theo thời gian thực, từ đó nâng cao năng suất và tạo ra sự bền vững trong quy trình sản xuất.
Ông Trần Xuân Quang – Giám đốc Công ty GSS – Chuyên gia tư vấn và đào tạo lâu năm về tuân thủ và bền vững đã có sự chia sẻ về Tuân thủ các quy tắc về sản xuất bền vững. Tuân thủ các quy tắc về sản xuất bền vững trong chuỗi cung ứng ngành điện tử bao gồm việc áp dụng các phương pháp và tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, và kinh tế trong toàn bộ quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần quản trị rủi ro trong kinh doanh bền vững để đảm bảo rằng các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế đạt được một cách hiệu quả. Quản trị tốt rủi ro và tuân thủ các quy tắc về sản xuất bền vững sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh thương hiệu, tăng sự tin cậy, uy tín với các đối tác, khách hàng. Tiết kiệm chi phí hoạt động, thúc đẩy tinh thần của nhân viên, tạo ra môi trường làm việc tích cực, năng động. Tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, các nhà đầu tư và ngân hàng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. Cuối cùng thực hiện trách nhiệm xã hội giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật và tránh rủi ro pháp lý.
Việc kết nối hệ sinh thái sản xuất điện tử thông minh tại Việt Nam là bước đi cần thiết để phát triển bền vững ngành điện tử. Với sự hỗ trợ của chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức giáo dục, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất điện tử thông minh trong khu vực. Sự phát triển của hệ sinh thái này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành điện tử mà còn góp phần nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc xây dựng hệ sinh thái sản xuất điện tử thông minh là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan và sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế.