Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Nguyễn Lệ Thủy cho biết, sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn. Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu trong nền kinh tế. Nếu như năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, thì sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam, khi mà kênh tín dụng ngân hàng cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Lệ Thủy nhìn nhận, thị trường vốn Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức. Trên thị trường tín dụng, thách thức hiện hữu là các ngân hàng khó tăng năng lực tài chính, trong khi nguy cơ nợ xấu ngày một dày lên, do hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Cùng với đó, nhiều hình thái tín dụng, thanh toán gắn công nghệ với tài chính xuất hiện, trong khi Việt Nam chưa có chính sách để quản lý.
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu mở cửa, nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp; mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao.
Trên thị trường tín dụng, các chính sách cần duy trì môi trường lãi suất thấp, đồng thời với việc phải củng cố uy tín, độ tin cậy của Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo vệ ổn định giá cả và điều hành chính sách tiền tệ.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thì đánh giá, phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước. Đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm tại đa số các doanh nghiệp nhà nước, là nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Phát triển thị trường vốn cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước; đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cho rằng, 20 năm qua, TTCK Việt Nam có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, còn cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển TTCK tới đây.
Việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng.
Ở góc nhìn của chuyên gia độc lập, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, cơ hội phát triển cân bằng thị trường vốn VN là rất lớn. Tuy nhiên, kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý. Ông Cấn Văn Lực dự báo, con người và công nghệ là 2 đột phá cho sự phát triển tới đây trên thị trường vốn Việt Nam.
Việc thu hút Vốn từ thị trường chứng khoán là cần thiết. Nhưng đầu tư không phải trò chơi may rủi, nhà đầu tư nên hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định.
Với thị trường chứng khoán còn non trẻ so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, ở Việt Nam, việc huy động vốn của nền kinh tế đặt nặng trên vai các ngân hàng. Trong khi đó hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi ở trong dân khá lớn cùng với việc lãi suất huy động của ngân hàng, trái phiếu chính phủ giảm (gần đây có tăng thêm chút xíu so với cuối năm ngoái nhưng không đáng kể) là điều kiện rất thuận lợi để phát triển nguồn vốn từ thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về sự phát triển của thị trường chứng khoán nước ta còn chưa cao, như ông Cấn Văn Lực đã đề cập “tính minh bạch của thị trường Việt Nam còn xếp hạng khiêm tốn trên thế giới”, sẽ không lấy gì đảm bảo những thông tin lỗ, lãi của các công ty niêm yết là chính xác. Nhà nước cần sớm ban hành những chính sách phù hợp để đảm bảo tính minh bạch của các thông tin, đảm bảo được sự an toàn hơn cho các nhà đầu tư, như vậy mới thu hút được nhiều nguồn vốn nhàn rỗi.
Về phía các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ các doanh nghiệp mình muốn mua cổ phần, tránh trường hợp đầu tư vào các công ty thua lỗ. Dưới tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay, các doanh nghiệp gặp khó khăn luôn nhiều hơn các doanh nghiệp thuận lợi. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê ngày 29/3, con số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh ở Việt Nam quý I/2021 lên đến 40,3 nghìn doanh nghiệp tăng 15,6% do với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, các nhà đầu tư hãy cẩn trọng khi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam và chỉ gửi tiền khi đã hiểu rõ các thông tin minh bạch từ nhiều nguồn, sẽ không có chuyện "mèo mù vớ cá rán". Đầu tư không phải trò chơi may rủi nên không thể đặt tiền vào đó rồi về nhà hay đi chùa thắp hương cầu nguyện “lạy trời cho con có lãi!”