Sáng 25/3, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn “Tương lai Chiến lược Ngân hàng số tại Việt Nam”, nhằm thảo luận về các cơ hội và thách thức tiến tới Ngân hàng số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo sáng nay thực hiện theo Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Để phát triển nền kinh tế số Việt Nam, các ngành, lĩnh vực đều phải cơ cấu lại cho phù hợp theo hướng số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến tài chính, tín dụng quốc gia càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Sự đổi mới số hóa trong ngân hàng không còn là kế hoạch, chiến lược đề xuất ở cuộc họp hay các báo cáo nghiên cứu mà trở thành một chương trình hành động thực sự, có tính nhất quán từ thể chế chính sách đến hệ thống ngân hàng và người tiêu dùng tài chính.
“Chuyển đổi số là chương trình hành động cụ thể, phải bắt tay vào làm ngay”, Ông Võ Trí Thành Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phát biểu khai mạc: “Đây là xu hướng bắt buộc, là tương lai để đi cùng thế giới, không còn cách nào khác”.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam có bài tham luận tại Hội thảo về ‘Thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam’. Theo bà Thùy Dương, có 42 % Ngân hàng đang xây dựng chuyển đổi số; 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh; 11% đã phê duyệt và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng.
Những khó khăn các ngân hàng Việt Nam gặp phải trong chuyển đổi số.
“Có 4 nguyên nhân”, Bà Thùy Dương nói: “Phần lớn các ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của ngân hàng; chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới; phương thức làm việc theo lối cũ (water fall), chưa có tư duy làm việc theo Phương pháp Agile; hầu hết các ngân hàng gặp thách thức với các hệ thống hiện tại (legacy system) và vấn đề này cần được giải quyết ở Chiến lược CNTT”.
Đối với Việt Nam, cuộc cách mạng công nghệ không chỉ là vấn đề số hóa mà còn là sự thay đổi hệ thống thể chế chính sách. Ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng ban, Nghiên cứu & Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã khẳng định tại Hội thảo rằng: “Cho đến giờ phút này, chúng ta chưa thể thực hiện kinh doanh ngân hàng số. Cần sớm ban hành khung pháp lý kinh tế số, bởi các quy định hiện nay là chưa đủ, đồng thời các nghị định và thông tư cũng phải sửa đổi cho phù hợp hơn”.
Đồng ý với quan điểm trên, Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện chiến lược Ngân hàng cho biết: “Hành lang pháp lý cho chuyển đổi ngân hàng số vô cùng thiếu”, ông Hòe nói: “Bộ Thông tin & Truyền thông cần xây dựng cơ sở giữ liệu quốc gia, điều này rất cần thiết. Tất cả các ngành nghề đều cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu chung, được số hóa thông minh”.
“Các ngân hàng và những người kinh doanh khởi nghiệp... có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu đó để xem thông tin và định hướng cho mình dịch vụ có lợi nhất. Thêm và đó, hạ tầng 5G cần đẩy mạnh và nhanh hơn để các ứng dụng công nghệ vận hành trơn tru”.
Bên cạnh việc đổi mới chính sách pháp lý và đầu tư cơ sở dữ liệu, Ông Hòe đề xuất ý kiến các quy định bảo vệ người tiêu dùng tài chính: “Luật bảo vệ người tiêu dùng cần được Nhà nước quan tâm hơn. Chỉ có 2 điểm được nhắc đến trong văn bản trong quy định về giải quyết khiếu nại tài chính của Bộ Công thương là chưa đủ”.
Hội thảo đã thu hút được các ý kiến trao đổi thẳng thắn, đa chiều về chính sách, thông tin, các tính năng, lợi ích của ngân hàng số mang lại cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, diễn đàn chú trọng đến việc thay đổi tư tưởng của những người làm chính sách bởi nhẽ “công nghệ và dịch vụ đang thay đổi không còn như truyền thống, không thể mang những chính sách cũ áp dụng cho những lĩnh vực mới”, ông Hòe nói.