Vừa qua, hãng công nghệ khổng lồ Apple đã quyết định giảm quy mô kế hoạch tham vọng về xe điện tự lái và lùi thời điểm công bố sản phẩm thêm một năm so với dự kiến ban đầu, sang năm 2026. Trước đó, công ty lên kế hoạch ra mắt xe vào năm 2019 nhưng sau đó trì hoãn nhiều lần đến hiện giờ.
Cụ thể, kế hoạch này trong nội bộ công ty của Apple có biệt danh là Titan và đang gặp khó khăn trong nhiều tháng nay khi các lãnh đạo hãng phải đối mặt với thực tế là tham vọng của họ về việc sản xuất một chiếc xe điện hoàn toàn tự lái, không có vô lăng và bàn đạp, có thể không thực hiện được với trình độ công nghệ hiện tại.
Theo đó, một số nguồn tin cho biết Apple hiện đã chuyển sang một thiết kế ít tham vọng hơn, trong đó ôtô vẫn có vô lăng và bàn đạp nhưng sẽ tự lái hoàn toàn trên đường cao tốc.
Kế hoạch hiện nay của Apple là sẽ sản xuất các mẫu xe điện cho phép người lái không cần điều khiển xe mà có thể xem phim hoặc chơi trò chơi điện tử trên đường cao tốc và có đủ thời gian để chuyển sang điều khiển bằng tay khi xe đi vào trong phố hoặc gặp điều kiện thời tiết bất lợi.
Apple dự kiến sử dụng một hệ thống máy tính mạnh ở trên xe và một chuỗi các cảm biến để thực hiện chức năng tự động của xe; bộ xử lý trung tâm mạnh tương đương bốn bộ xử lý mạnh nhất của máy tính Mac cộng lại. Hệ thống cũng sử dụng dữ liệu đám mây và trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều khiển. Apple dự kiến giá bán của xe là hơn 120.000 USD, nhưng đã giảm xuống dưới 100.000 USD.
Sự hỗn loạn tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở Trịnh Châu đã thúc đẩy sự thay đổi của Apple. Trong những tuần gần đây "gã khổng lồ" công nghệ Apple cũng đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và việc tuyển dụng chậm lại của Apple đã khiến gã khổng lồ công nghệ gặp khó khăn trong việc phân bổ nhân sự cho kế hoạch triển khai sản xuất sản phẩm mới, làm việc với các nhà cung cấp mới và các quốc gia mới.
Hãng Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lập kế hoạch tích cực hơn để lắp ráp các sản phẩm mới của Apple ở một số nước châu Á khác, đặc biệt là ở Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà lắp ráp Đài Loan (Trung Quốc) mà dẫn đầu là Foxconn.