Thanh toán xuyên biên giới là việc thanh toán, chuyển tiền mà người gửi và người nhận ở các quốc gia khác nhau, được chia làm hai phân khúc bán buôn và bán lẻ. Trong đó, thanh toán bán buôn xuyên biên giới liên quan đến việc chuyển tiền giá trị cao giữa các tổ chức tài chính cho khách hàng của mình thông qua hệ thống thanh toán song phương hoặc đa phương; thanh toán bán lẻ xuyên biên giới liên quan đến các khoản thanh toán giá trị nhỏ hơn giữa những người dùng cuối (khách hàng, doanh nghiệp).
Một điều hiển nhiên là khi thanh toán xuyên biên giới thuận tiện, nhanh chóng và chi phí hợp lý, an toàn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và các nền kinh tế trên toàn thế giới, góp phần phát triển thương mại quốc tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện.
Tuy nhiên, thanh toán xuyên biên giới đang tụt hậu đáng kể so với thanh toán trong nước trong việc đáp ứng kỳ vọng của người dùng về dịch vụ. Không giống như thanh toán trong nước, nơi mà các ngân hàng có thể thanh toán trực tiếp cho nhau trên một nền tảng thanh toán quốc gia sử dụng duy nhất một đồng tiền pháp định, hiện không có nền tảng duy nhất nào cho thanh toán xuyên biên giới.
Thanh toán xuyên biên giới hiện nay đa phần thực hiện thông qua ngân hàng đại lý (các ngân hàng mở tài khoản ngoại tệ tại nhau) và giao dịch trên nhiều hệ thống công nghệ khác nhau với các định dạng tin nhắn chuyển tiền (message) khác nhau, mỗi khoản thanh toán thường được chuyển qua nhiều ngân hàng đại lý và mỗi ngân hàng đều cần thời gian với chi phí xử lý nhất định. Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán xuyên biên giới cần tuân thủ các quy định quốc tế chặt chẽ về kiểm soát ngoại hối, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT) trong khi quy trình thẩm định và định danh khách hàng lại thực hiện theo quy định của từng quốc gia và đa số vẫn thực hiện thủ công. Tất cả các vấn đề này khiến cho thanh toán xuyên biên giới chậm hơn, phức tạp hơn và chi phí cao hơn so với thanh toán trong nước.
Dự án eID Bắc Âu - Baltic được khởi xướng dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu. NOBID giúp hài hòa các giải pháp eID ở 8 quốc gia Bắc Âu và Baltic nhằm thực hiện khả năng tiếp cận xuyên biên giới đối với các dịch vụ số trong khu vực.
Sáu quốc gia châu Âu bao gồm Đan Mạch, Đức, Iceland, Ý, Latvia và Na Uy sẽ tham gia vào một liên đoàn thí điểm kết hợp ứng dụng định danh số (digital ID) vào thanh toán xuyên biên giới, do dự án eID Bắc Âu - Baltic (NOBID) đứng đầu.
Các cơ quan chức năng phụ trách về chính phủ số của các nước, các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà cung cấp công nghệ đều hỗ trợ dự án này và cùng hợp tác để đưa ra giải pháp kết hợp định danh số vào thanh toán xuyên biên giới và thanh toán bằng nhiều loại tiền tệ.
Các tổ chức sẽ cùng tập trung vào tính năng thanh toán, một trong những trường hợp sử dụng ưu tiên hàng đầu trong tầm nhìn ví ID kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu (EU). Việc triển khai ứng dụng định danh số vào thanh toán sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng thanh toán hiện có, cho phép phát hành thanh toán, thanh toán ngay lập tức, chuyển khoản và chấp nhận thanh toán cả tại cửa hàng và trực tuyến.
Dự án nhằm bổ sung cho các kế hoạch rộng lớn hơn của EU để trao quyền cho các quốc gia thành viên và hợp lý hóa các khoản thanh toán xuyên biên giới. Dự án đã thu hút sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và thanh toán, bao gồm DSGV ở Đức, DNB và BankID ở Na Uy, Nets ở Đan Mạch, Intesa Sanpaolo, PagoPA và ABILab ở Ý và Greiðsluveitan ở Iceland.
Các đối tác công nghệ tham gia vào dự án bao gồm Thales, iProov, Signicat, RB, Auðkenni, IPZS, Poste Italiane, Intesi Group, InfoCert, FBK và Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Latvia.
Tor Alvik, Giám đốc dự án, cho biết dự án này nhằm phát triển ví ID số của EU. Liên minh có tất cả các yếu tố mang lại thành công, như sự tham gia của nhiều quốc gia; kinh nghiệm sâu rộng của các đối tác trong công nghệ định danh số, sự hỗ trợ của những lãnh đạo tốt nhất trong ngành ngân hàng và thanh toán. “Chúng tôi vô cùng vui mừng khi biến tầm nhìn của EU thành hiện thực và cung cấp các dịch vụ ID mượt mà hơn, sẵn có hơn cho tất cả mọi người”.
Silvana Filipponi, lãnh đạo bộ phận định danh số tại Cục chuyển đổi số (CĐS), thuộc Bộ đổi mới công nghệ và CĐS ở Ý, cho biết: “Đối với chính phủ Ý, liên minh là một cơ hội tuyệt vời đối với chiến lược kỹ thuật số của chính phủ: số hóa các khoản thanh toán sẽ đẩy nhanh quá trình CĐS của toàn bộ hệ thống dịch vụ công dân”.
Hệ thống định danh số ở Ý hiện bao gồm hai giải pháp riêng biệt: Hệ thống nhận dạng kỹ thuật số công cộng (SPID), có 33 triệu người dùng vào tháng 9/2022; và Thẻ nhận dạng điện tử (CIE), có 30,6 triệu người Ý sử dụng.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, SPID đã được sử dụng gần 675 triệu lần để truy cập các dịch vụ trực tuyến như dịch vụ thuế và truy cập chứng chỉ COVID kỹ thuật số. Chiến lược "Italia 2026" công bố hồi tháng 4/2021 nhằm mục đích tăng cường khả năng nhận dạng kỹ thuật số trong dân chúng và mục tiêu là 70% dân số trưởng thành sẽ sử dụng nhận dạng kỹ thuật số vào các ứng dụng khác nhau vào năm 2026, phù hợp với các mục tiêu của toàn EU.