Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 về Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, các ban bộ ngành đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn cập nhật những diễn biến chính sách mới trên thế giới và những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Tại buổi diễn đàn ngày hôm nay, các diễn giả, khách mời cũng thảo luận về cách thức điều phối, phối hợp hành động để xây dựng chỉ số và tiêu chí về kinh tế tuần hoàn cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tiễn và các giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Bộ KH&ĐT) chia sẻ Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực trong phát triển kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước thuộc khu vực EU. Trong giai đoạn tới đây, Bộ KH&ĐT cho rằng cần thực hiện một cách quyết liệt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy KTTH:
- Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chinh sách, pháp luật ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển KTTH phù hợp với xu thế mới trong khu vực và thế giới.
- Thứ hai, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong các khu vực có tiềm năng phát triển KTTH.
- Thứ ba, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu, biến các dòng chảy đó thành lực đẩy cho các cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển KTTH tại Việt Nam.
- Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng vận hành mô hình KTTH gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao, thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút nhân tài.
- Thứ năm, tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí sử dụng và tái chế rác.
- Cuối cùng, tiếp tục thay đổi mạnh mẽ cơ chế thực thi, khuyến khích các sáng kiến, các phong trào thúc đẩy mô hình KTTH phát triển.
Trên cơ sở thảo luận tại diễn đàn, Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã tổng hợp các ý kiến doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp trình Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp cùng Dự án Go Circular khảo sát thực tiễn tại 400 doanh nghiệp trên cả nước về mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi sang KTTH (Tháng 7-8/2024). Trong đó 69% doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng chuyển đổi tuy nhiên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, rào cản từ bên ngoài cũng như nội tại bên trong liên quan đến chi phí hoạt động tăng và giảm lợi nhuận. Thiếu chính sách định giá tài nguyên khiến cho giá tài nguyên tương đối rẻ, dẫn đến không khuyến khích sử dụng hiệu quả các nguồn lực và chuyển đổi sang KTTH chính là rào cản lớn nhất về chính sách.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, thế giới đã và đang chứng kiến những xu hướng, những biến động lớn về địa chính trị, Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và biến đổi khí hậu… Cách thức nhìn nhận đối với phát triển bền vững đã có sự chuyển biến sâu sắc về chất, gắn với cam kết chính trị mạnh mẽ. Đặc biệt, những diễn biến phức tạp, khó lường và hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 đã buộc các quốc gia phải nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững và hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn hướng tới chuyển đổi xanh, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bà Trần Minh Huế - Vụ KHGDTNMT, Bộ KH&ĐT nêu rõ Bộ sẽ xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật theo ngành dựa trên VGT để phân loại các dự án xanh theo từng ngành/lĩnh vực làm cơ sở để đưa ra cơ chế pháp lý và ưu đãi cho các ngành công nghiệp xanh. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đang soạn thảo Danh mục phân loại xanh để tiếp cận trái phiếu xanh và tín dụng xanh với các tiêu chí định hướng theo quan điểm môi trường (do GIZ hỗ trợ xây dựng vào năm 2022).
Tiêu chí Kinh tế tuần hoàn do Bộ KH&ĐT xây dựng có mối liên hệ chặt chẽ với VGT tham chiếu đến các tiêu chí của EU (do GIZ hỗ trợ) nhằm mục đích huy động tài chính theo dự án (ưu đãi, chính sách và cơ chế đầu tư, quỹ tiếp cận, các khoản vay, thương mại và ưu đãi từ các ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tài chính,...).
Bà Mira Nagy - Giám đốc triển khai Hướng tới Tuần hoàn tại Việt Nam, GIZ giới thiệu Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững (ESPR). Đây là một khuôn khổ pháp lý nhằm cải thiện tính tuần hoàn và các khía cạnh môi trường khác của sản phẩm có hiệu lực vào tháng 7/2024 và được xây dựng dựa trên Chỉ thị hiện có về thiết kế sinh thái. ESPR sẽ được áp dụng cho hầu hết các hàng hóa được đưa vào thị trường EU với tầm quan trọng đối với các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu vào EU. Các chính sách kinh tế tuần hoàn của EU đặt ra cả thách thức và cơ hội cho Việt Nam, trong đó có ngành điện tử, dệt may và ô tô.
Trong bối cảnh nhiều thị trường đang gia tăng các quy định yêu cầu về phát triển bền vững đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực và địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu những thông lệ tốt, cách làm hay để kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực quan trọng thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam.