Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform), VCCI đã thực hiện Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm…
“Tuy nhiên, những thách thức đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. Đây chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn chia sẻ.
Trình bày tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết nhìn chung,
Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược. Các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập DN, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm. Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính DN, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, hai vấn đề trọng tâm đã có cải thiện tích cực là cải cách về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp, như: Các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ, ngành và hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.
Thứ hạng của chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing business) của Ngân hàng Thế giới vẫn thấp, do các quy định về khởi sự DN chưa hợp, nhiều thủ tục, chưa có sự liên thông giữa các thủ tục. Một số quy định được ban hành gần đây dự kiến sẽ góp phần tăng hạng cho chỉ số này, như Nghị định 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 về quy trình liên thông giữa các thủ tục đăng ký DN, khai trình lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, thủ tục về hóa đơn chứng từ; và Nghị định 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định miễn lệ phí môn bài trong năm đầu với các DN, hộ kinh doanh mới thành lập.
Nguyễn Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ý kiến về sự cải cách không đồng đều trong môi trường kinh doanh của Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực như đất đai, giải phóng mặt bằng, hợp đồng, đầu tư...
Ông Hiếu cho rằng mục tiêu bãi bỏ 10% điều kiện kinh doanh là rất khó đạt được khi các văn bản liên bộ ngành tiếp tục tăng dần theo mỗi năm. Có 68% doanh nghiệp bỏ cuộc khi gặp phải rào cản điều kiện kinh doanh. “động lực sắp tới để doanh nghiệp phát triển là gì?” ông Hiếu nêu câu hỏi.