Nghị quyết tiếp thu nhiều kiến nghị của các Hiệp hội, doanh nghiệp, đưa ra bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, các giải pháp đột phá như bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là người lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; bổ sung chính sách quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19;... kỳ vọng sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, ổn định, duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết, các Hiệp hội, các doanh nghiệp cho rằng đây là văn bản có mục tiêu, ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng và tác động lớn đến “sức khỏe”, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức trông đợi vào sự hỗ trợ kịp thời để phục hồi sản xuất, xuất khẩu, đồng thời bảo đảm sinh kế cũng như an toàn cho người lao động trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Mạc Quốc Anh chia sẻ: Thời gian vừa qua, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khóa như giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất,… Việc Chính phủ tiếp tục ban hành nghị quyết mới là nguồn cổ vũ kịp thời, động viên tinh thần rất lớn đối với cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ được ban hành dù hữu ích, nhưng vẫn còn không ít dư địa để cải thiện tính hiệu quả. Đó là các văn bản sửa đổi, hướng dẫn hiện chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến các chính sách hỗ trợ chưa đi vào cuộc sống.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm, để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các chính sách hỗ trợ cần đi ngay vào cuộc sống. Trong đó, việc cắt giảm chi phí là rất cấp thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với những DN gặp khó khăn, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022. Các địa phương không nên điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp đang phải gồng mình chống dịch, đồng thời nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Phạm Nguyên Hạnh kiến nghị, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn là cấp thiết, nhưng phải sát thực tiễn, tránh hiện tượng chỉ “nằm trên giấy”. Hiện nhiều đơn vị trong Tập đoàn vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ Chính phủ đã ban hành trước đây do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục. Đơn cử, một số đơn vị có nhiều chi nhánh, nhà máy ở các địa phương khác nhau đang phải đóng cửa thực hiện giãn cách, nhưng công ty mẹ lại có trụ sở chính ở địa bàn không có dịch bệnh. Trong khi, thủ tục hành chính phải gắn với địa chỉ đóng trụ sở chính, như đóng bảo hiểm ở đâu thì quyền lợi được hưởng ở đó.
Cần triển khai đồng bộ
Hoan nghênh việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, vẫn bày tỏ mong muốn các chính sách sẽ sớm đi vào cuộc sống, khi diễn biến dịch bệnh đang ngày càng phức tạp. Bà cũng thể hiện băn khoăn của doanh nghiệp về một số nội dung của Nghị quyết còn chung chung, chưa chỉ rõ phương án cụ thể mà giao cho các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện. Nhiều doanh nghiệp chưa kịp tiếp cận chính sách hỗ trợ đã “hấp hối”, không còn sức để phục hồi. Bên cạnh đó, các chính sách cũng đang đặt ra quá nhiều điều kiện, thủ tục rườm rà, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được khi đang phải “gồng mình” đối phó với dịch bệnh.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco), ông Nguyễn Xuân Dương, Nhà nước nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là vô cùng cấp thiết, tạo động lực để doanh nghiệp ổn định sản xuất. Tuy nhiên, nhiều chính sách mới chỉ thể hiện ở chỗ định hướng. Thí dụ, chúng ta làm chặt các biện pháp phòng, chống dịch và doanh nghiệp phải thực hiện sản xuất theo nhiều phương án như “ba tại chỗ”, “hai tại chỗ, một vùng xanh”,... nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể về người lao động ở vùng nào cho phép đi lại như thế nào. Đã đến lúc phải có những hướng dẫn cụ thể, phân vùng hợp lý để thúc đẩy sản xuất: Vùng đỏ có dịch phải khoanh chặt; vùng vàng, vùng xanh vẫn cho hoạt động và tăng cường giám sát chặt chẽ chứ không nên tồn tại tình trạng chặt chung, chỗ nào có dịch là đóng cửa hết, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN.
Chung quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần may Sơn Hà Phạm Huy Vệ cho biết thêm, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công ty đang mất trắng hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi tháng do phải ngừng sản xuất. Sau rất nhiều thủ tục, đề xuất giải pháp, gần đây UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) mới đồng ý cho gần 500 lao động trên tổng số 2.000 lao động của công ty trở lại làm việc. Tuy nhiên, dù nằm trong vùng xanh và 500 lao động đều lấy từ năm phường nội thị, có bán kính chưa đầy 1 km so với nơi sản xuất, nhưng chính quyền thị xã vẫn yêu cầu công ty bố trí xe đưa đón tại một điểm,... gây tốn kém không cần thiết.
Mặc dù công ty đã có các phương án bảo đảm và xin phép cho người lao động tự di chuyển, giãn khung thời gian tập trung đông người, giảm mật độ lưu thông nhưng chính quyền cơ sở vẫn không đồng ý. Đây là thời kỳ cao điểm của ngành dệt may, nếu không được tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, tăng lượng hàng xuất khẩu, công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, càng sản xuất càng lỗ. Chính vì vậy, rất mong Nhà nước nhanh chóng triển khai các chính sách và khoản hỗ trợ nhằm giúp DN ổn định sản xuất. Bên cạnh các khoản giảm, giãn thời hạn nộp thuế, hạ mức lãi suất ngân hàng,... cũng cần có các chính sách linh hoạt để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Ngoài ra, theo các DN, dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về việc bảo đảm lưu thông hàng hóa trong mùa dịch, nhưng thực tế vẫn có tình trạng mỗi địa phương áp dụng biện pháp chống dịch theo một kiểu, khiến DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu để thông thương hàng hóa. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương, cần phải có sự thống nhất từ T.Ư đến các địa phương; Chính phủ, các bộ, ngành đã quy định thì các tỉnh, thành phố đều phải thực hiện theo, không thể tồn tại cách thức mỗi nơi làm một kiểu, tỉnh/thành phố làm chặt rồi dưới quận, huyện làm chặt hơn và địa bàn cơ sở lại chặt hơn nữa do sợ trách nhiệm khi xảy ra dịch bệnh. Cần có sự điều chỉnh, thay đổi theo hướng giao trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp để họ tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị mình quản lý, tránh tạo ra những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp.