Trong nhiều năm, các chính phủ trên thế giới đã chỉ trích mạng xã hội "tiếp tay" cho việc truyền bá thông tin sai sự thật và kích động bạo lực. Đầu tuần qua, chính phủ Senegal đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên tất cả nhà mạng. Tiếp sau đó là lệnh cắt toàn bộ Internet trên thiết bị di động.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Senegal - Moussa Bocar Thiam cho biết rằng việc cắt internet nhằm ngăn chặn sự lan truyền “các thông điệp thù địch và phản cách mạng của những cá nhân đe dọa gây bất ổn cho tình hình trong nước”. Ít nhất 40 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên khắp Senegal kể từ khi Ousmane Sonko, nhà lãnh đạo phe đối lập bị bắt và kết tội làm suy đồi đạo đức thanh niên.
Động thái cắt internet của chính phủ Senegal để đối phó với các cuộc biểu tình đã gây ra hậu quả nặng nề. Những ngôi nhà bị mất điện. Người dân bị mất quyền truy cập vào các hệ thống di động mà họ phụ thuộc vào để thanh toán cho các nhu cầu cơ bản như thức ăn và nước uống. Những người phụ thuộc vào mạng xã hội để tránh các cuộc biểu tình trên đường phố bây giờ đang phải đối mặt với chúng.
Bridget Andere, cố vấn chính sách cấp cao của Access Now - tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ quyền kỹ thuật số của cộng đồng, cho biết: "Truy cập thông tin trong thời kỳ khủng hoảng và bất ổn chính trị là vấn đề sinh tử. Đây cũng là sinh kế và nguồn thu nhập của người dân. Việc cắt Internet cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước".
Một giám đốc điều hành tại một hãng viễn thông ở Senegal cho biết chính phủ ra lệnh cho các công ty ngừng dịch vụ Internet và TikTok từ 8h sáng đến 2h sáng hôm sau. Các nhà khai thác đang yêu cầu Bộ Truyền thông Senegal làm rõ khi nào lệnh sẽ được dỡ bỏ.
Ở nhiều quốc gia châu Phi, smartphone là phương tiện truy cập internet duy nhất mà một số người có. Các ứng dụng truyền thông xã hội như TikTor, Twitter và Facebook trở thành phương tiện để họ cập nhật tin tức. Senegal cũng không ngoại lệ. Ở đó, người dân dựa vào truy cập internet trên smartphone để thanh toán cho các dịch vụ thiết yếu và cập nhật tình hình bất ổn đang gia tăng trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 25/2/2024, trong đó Tổng thống Macky Sall dự kiến sẽ rời bỏ vị trí sau hai nhiệm kỳ.
Dù cố gắng hết sức để trở thành nguồn giải trí, nơi dành cho các video vui nhộn và nhẹ nhàng, TikTok đã trở thành nền tảng có ảnh hưởng và thường xuyên gây tranh cãi, lọt vào tầm ngắm của các phong trào xã hội và chính trị. TikTok bị cấm tạm thời ở Senegal vì lan truyền video về các cuộc biểu tình vì tỷ lệ thất nghiệp cao, hạn chế quyền dân sự và bắt giữ các nhà lãnh đạo phe đối lập.
Senegal không phải quốc gia đầu tiên cắt Internet. Trước đó, chính phủ Ethiopia đã hạn chế quyền truy cập vào một số trang web và Internet trong nhiều năm do những bất ổn trong nước. Đêm trước cuộc bầu cử tổng thống của Uganda năm 2021, Internet đã bị chặn. Iran từng dựng hàng rào lửa vào các trang web khi giá nhiên liệu tăng vọt năm 2019.
Báo cáo năm 2022 của Top10VPN, trang web chuyên theo dõi dữ liệu Internet có trụ sở tại London, cho thấy các lệnh cấm Internet gây thiệt hại 261 triệu USD trên khắp châu Phi, ảnh hưởng đến 132,2 triệu người dùng trong khu vực. Trong khi đó, chính phủ Senegal khẳng định thiệt hại từ việc đóng Internet nhỏ hơn nhiều so với ảnh hưởng về người do các cuộc biểu tình bạo lực gây ra.