Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2014-2019, ngành Công nghiệp CNTT đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây ngành công nghiệp CNTT cũng bộc lộ một số vấn đề như: tăng trưởng doanh thu đã chững lại; ngành công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp nội địa hiện chủ yếu tham gia vào khâu có giá trị gia tăng chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu Việt.
Để cụ thể hóa định hướng của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực ICT theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018, Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc CMCN 4.0. Dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I năm 2020.
Hội thảo tập trung thảo luận, xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực CNTT và Điện tử của Việt Nam về các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chính cho việc phát triển công nghiệp CNTT trong giai đoạn 5 năm, từ nay đến 2025.
Khách mời tham dự hội thảo gồm có các chuyên gia như: Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA); ông Nghiêm Bá Hách, Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh Bắc Ninh; bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINISA); các đại diện của các công ty viễn thông như Viettel, VNPT...
Sau lời phát biểu khai mạc của Thứ Trưởng Phan Tâm, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT đã giới thiệu về nội dung Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, hướng tới CMCN 4.0. với các mục tiêu chung như:
- Việt Nam có khả năng chủ động, làm chủ công nghệ trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp CNTT, điện tử các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước;
- Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế chủ đạo (doanh thu cao, giá trị sản xuất lớn, là ngành xuất khẩu dẫn đầu, đóng góp lớn cho GDP cả nước);
- Tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp nội địa hàng năm bằng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước;
- Đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất thiết bị CNTT, điện tử - viễn thông, xuất khẩu phần mềm, xuất khẩu dịch vụ CNTT lớn trên thế giới;
- Xuất khẩu: Top 1 trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam (đạt 120 tỷ USD);
Những Ý kiến đóng góp quan trọng và thiết thực của các chuyên gia ngành CNTT và Điện tử:
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi và đưa ra những ý kiến đóng góp, xây dựng giúp dự thảo trở nên phù hợp và thiết thực hơn với tình hình ngành công nghệ thông tin và điện tử của nước ta hiện nay. Đa phần đều phản đối và cho rằng mục tiêu chung đặt ra là quá xa với với thực tế. Đáng chú ý là các ý kiến của các chuyên gia như:
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINISA) phát biểu: “Phần mục tiêu chung để CNTT trở thành ngành kinh tế chủ đạo, tôi nghĩ cái này rất khó và nên xem xét lại. Hoặc mục tiêu để Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu phần mềm, xuất khẩu dịch vụ CNTT lớn trên thế giới đến năm 2025 tôi nghĩ chúng ra sẽ chưa kịp thời gian để đạt được điều đó”.
“Về đào tạo nhân lực nếu chỉ đưa ra chỉ tiêu đào tạo cho 2000 cán bộ quản lý, kỹ thuật trên tổng số có hàng ngàn doanh nghiệp thì con số đào tạo này rất là nhỏ”, Bà Giang nói.
Bà Giang phàn nàn rằng các chương trình như “Xúc tiến thương mại quốc gia” chỉ cho phép các cơ quan của bộ tham gia, mà không có các doanh nghiệp tư nhân mặc dù trong danh sách các dự án ấy có cả tên đơn vị bà đang công tác.
Tuy nhiên, khi bà Giang đề xuất xây dựng các dự án thì Bộ trả lời rằng "Nhà nước không có cơ chế để giao phần việc này ra ngoài cho các tổ chức khác mà chỉ giao cho các cơ quan của Bộ làm” Bà Giang tỏ ra thất vọng. “nghe như vậy tôi thấy rất chán nản bởi vì chính bản thân tôi là người chấp bút viết một số đề án”.
Các hiệp hội là cánh tay nối dài cho bộ, nếu cho phép các doanh nghiệp và hiệp hội cùng tham gia để được duyệt kinh phí theo ngân sách của nhà nước như vậy sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành nhanh hơn.
Bên cạnh đó, Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), cũng đề xuất:
- Cần xây dựng cơ sở dữ liệu cho các DN đầu chuỗi và DN điện tử nội địa vì hiện nay những số liệu đó “rất mờ”, hầu như không có dữ liệu về ngành. Tôi kiến nghị đưa vào các số liệu thống kê quốc gia. “Hiệp hội chúng tôi có khá nhiều dữ liệu về các công ty trong ngành điện tử nhưng đây là những số liệu mà chúng tôi thu thập được qua những dự án quốc tế còn không có trong hệ thống dữ liệu quốc gia”, Bà Hương phát biểu.
Kiến nghị về chính sách hỗ trợ tài chính và thuế cho các DN đầu tư vào lĩnh vực điện tử nội địa cũng được hưởng chế độ giống như doanh nghiệp FDI, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đưa ra ý kiến: "Các chính sách này đang gây bất bình đẳng cho các DN nội. Nếu được duyệt những chính sách ấy thì sức cạnh tranh của các DN Việt đã tăng lên từ 10 – 25%”, bà Hương nhận định.
Để phát triển, đại diện VEIA cho rằng cần tạo một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp hỗ trợ nghĩa là thiết lập một mạng lưới DN công nghiệp hỗ trợ trên quy mô toàn quốc và tạo cơ chế tiếp cận tín dụng thuận lợi cho các DN này khi cho nhu cầu vay vốn. Đặc biệt là được tiếp cận những nguồn vốn vay không cần thế chấp tài sản.
“Về phần hỗ trợ chuyển giao công nghệ không phải là chúng ta không có nguồn cung cấp nhưng vì năng lực tiếp nhận nguồn công nghệ tiên tiếncòn hạn chế. VD: trong chương trình hợp tác khoa học công nghệ giữa chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc khoảng 5 năm trước Chính phủ Hàn Quốc đã ký tặng cho nước ta trên 100 công nghệ nguồn trong ngành điện tử, cơ khí chế tạo, ô tô và dệt may... nhưng thực tế chúng ta tiếp nhận được rất ít”. Lấy ví dụ thực tế, đại diện VEIA cho biết: “Như việc Hàn Quốc chuyển giao công nghệ ‘Màn hình cảm ứng điện dung’ và tìm mãi mới thấy một DN tư nhân ở phía Nam để tiếp nhận nhưng phạm vi tiếp nhận lại khá hạn chế vì đòi hỏi phải có hạ tầng hiện đại, đắt tiền như cần một phòng sạch đạt chuẩn với diện tích khoảng từ 500 – 1000 m2. Đấy là chưa kể đến trình độ nhân lực có thể tiếp nhận được. Doanh nghiệp sẽ rất khó có thể tự đầu tư mà cần một nguồn lực mạnh mẽ hơn từ chính sách của các cơ quan chính phủ mang tính thúc đẩy”.
Góp ý về đào tạo nguồn lực nhân sự, Bà Hương bày tỏ quan điểm từ doanh nghiệp: Ở Việt Nam hiện nay, các chương trình đào tạo trong nhà trường chưa phù hợp để có thể đáp ứng được yêu cầu về nhân lực. Như trong ngành điện tử, các kỹ sư vào làm việc cũng phải đào tạo lại. Việc đào tạo đôi khi phải thực hiện ở nước ngoài chứ trong nước cũng không có khả năng. Gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
“Các trường đào tạo hiện nay đa phần là mang nặng tính lý thuyết hàn lâm mà thiếu tính thực hành, hoặc các máy móc để thực hành đều rất cũ. Các kỹ sư công nghệ và quản lý tầm trung đều phải thuê chuyên gia nước ngoài”.
“Cần xem xét lại các mục tiêu như làm chủ công nghệ đến năm 2025 liệu có quá xa chúng ta không để đạt được. Con số chỉ tiêu xuất khẩu năm 2018 đạt 79,4 tỷ đô la , tăng trưởng 13% và năm nay cũng khoảng như vậy theo số liệu mới nhất của bộ Công thương cung cấp. Khi đã đạt được một ngưỡng nhất định thì khó có thể tăng thêm. Nên xem xét đến chất lượng của xuất khẩu và giá trị gia tăng nội địa trong kim ngạch xuất khẩu”, đại diện VEIA bày tỏ.
Chia sẻ về thu hút DN FDI và phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT tại Bắc Ninh, ông Nghiêm Bá Hách, Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh cho biết: Sau hơn 20 năm thu hút đầu tư FDI, Bắc Ninh đã đạt kết quả nhất định, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng. Đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh có 1429 dự án đến từ 32 quốc gia với 18,3 tỷ USD, riêng Hàn Quốc 10 tỷ USD
Để phát triển công nghiệp ICT, đại diện của Sở TTTT Bắc Ninh kiến nghị 3 nội dung: Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển cho các DN tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất điện tử; Tăng cường vai trò của các tổ chức Hội nghề nghiệp và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển công nghiệp phụ trợ công nghiệp điện tử để có thể chỉ đạo nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa từng bộ ngành phải làm những gì.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao những ý kiến các đại biểu đã đóng góp, đồng thời chỉ đạo Vụ CNTT tập trung sửa đổi, hoàn thiện dự thảo theo đúng lộ trình. Thứ trưởng cũng mong muốn các Hiệp hội và các doanh nghiệp bố trí nguồn lực để tiếp tục làm việc theo từng nhóm cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo cùng với Vụ CNTT và Bộ TT&TT kịp trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2020.